“Hồi đó tôi là dạng học sinh cá biệt luôn khiến thầy cô phải nhức đầu, điều mà tôi chưa bao giờ lý giải được tại sao cho đến mãi sau này”, Vinh nhớ lại.
“Đó không phải là vì kỹ năng của giáo viên, cũng chẳng phải do năng lực học của tôi. Tôi chỉ không biết làm sao để truyền đạt nhu cầu của tôi tới giáo viên”.
Ước nguyện trở thành một nhà giáo có thể đem đến càng nhiều lợi ích càng tốt cho học viên của mình trở nên mãnh liệt hơn trong thời gian Vinh học về Truyền thông chuyên nghiệp tại RMIT Việt Nam.
“Tấm bằng đã dạy tôi làm thế nào để truyền đạt rõ ràng ý mình muốn, cũng như xây dựng cầu nối để học viên và giáo viên có thể hiểu nhau”, Vinh nói.
Anh chia sẻ kinh nghiệm của anh về việc hiểu biết lẫn nhau có thể dẫn đến những thay đổi sâu sắc như thế nào.
Vinh kể về về trải nghiệm của anh với một trong những giảng viên của mình – Tiến sĩ Nguyễn Hồng Hải Đăng.
“Để giải tỏa quan ngại của cô về việc cô chưa có kinh nghiệm trong việc hỗ trợ sinh viên khiếm thị trước đây, tôi đã thương lượng với cô để thiết lập một kế hoạch đánh giá tiếp cập toàn diện riêng với bài nghiên cứu theo dạng podcast – thay vì làm các bài tập chủ yếu sử dụng nhiều hình ảnh”.
Bản thân cũng là cựu sinh viên RMIT và người từng nhận Học bổng Chevening, Tiến sĩ Đăng còn là nguồn cảm hứng thôi thúc Vinh theo đuổi hoài bão của mình.
Chàng trai trẻ đã nỗ lực vượt bậc để tăng cường hiểu biết và thúc đẩy thay đổi trên diện rộng qua nhiều hoạt động khác nhau, trong đó có việc thuyết trình tại RMIT TEDx và tại PricewaterhouseCoopers, và tham gia vào một buổi trò chuyện trao đổi của Đài truyền hình quốc gia về chủ đề người có nhu cầu đặc biệt, sự đa dạng và bao hàm.
Hiểu biết sâu sắc của Vinh về công nghệ hỗ trợ đóng vai trò quan trọng trong việc cải thiện tính tiếp cận của mô đun học tập tương tác dành cho người dùng trình đọc màn hình mà Đại học RMIT cung cấp cho sinh viên có nhu cầu đặc biệt. Là một phần trong công việc tư vấn của mình, Vinh đã giúp ra mắt RMIT Access (một sáng kiến của Đại học RMIT nhằm đảm bảo tài liệu học tập được thể hiện trong định dạng để tất cả sinh viên có thể truy cập), tổ chức Hội thảo về Khoa học cung cấp thông tin và ứng dụng công nghệ thông tin vào giảng dạy, đồng thời dẫn chương trình hội thảo Thực hành Tiếp cận và Hội nhập trong giáo dục đại học kéo dài hai ngày trong năm 2020.
Dẫn đầu
Sau khi tốt nghiệp đại học, Vinh quyết định thực hiện kế hoạch lấy bằng thạc sĩ về giáo dục đặc biệt. Quyết định này không hề dễ dàng với bất kỳ ai, huống chi là một người khiếm thị, đặc biệt trong giai đoạn giãn cách xã hội do COVID-19.
Đại dịch toàn cầu đẩy Vinh vào tình huống khó khăn khi khoản tiền anh dành dụm được gần như cạn kiệt vì các lớp tiếng Anh của Vinh không thể hoạt động trong sáu tháng liên tục.
“Tôi biết mình phải học cách can đảm đối mặt với thách thức”, Vinh chia sẻ. “Tôi từng lo rằng mình sẽ lung lay và sớm gục ngã vì sức nặng của kế hoạch hai năm đã trôi qua nửa đường mà tôi vẫn chưa làm được gì nhiều”.
“Tuy nhiên, tôi đã đứng thẳng lưng, ngẩng cao đầu chuyển các lớp học của mình sang trực tuyến, đối mặt với thách thức phải kết nối trực tuyến và duy trì tương tác với học viên của mình”.
Vinh chẳng những nâng cao kỹ năng dạy học trực tuyến của bản thân từ việc xem các video trên YouTube, tham dự các lớp học tương tự, đọc nhiều tài liệu về tổ chức các lớp học trực tuyến, học các bí quyết học tập đặc biệt hữu ích với học viên khiếm thị, mà còn tự tin thành công đưa toàn bộ các lớp học của anh lên trực tuyến trong thời điểm biến thể Delta hoành hành, tác động lớn lên cộng đồng, đặc biệt lên người khuyết tật.
Chàng trai trẻ đầy quyết tâm còn đưa ra sáng kiến thành lập ScriVi (chữ kết hợp giữa scrivener – người phác thảo tài liệu và vision – tầm nhìn, hay Việt Nam) nhằm trang bị cho các thành viên khiếm thị kỹ năng chuyển âm thanh thành chữ viết chuyên nghiệp nhằm cung cấp dịch vụ này cho các nhà nghiên cứu, nhà báo và các khách hàng khác.
“Tháng 4/2021 đánh dấu thành tựu mới của ScriVi khi tôi thành công ký kết một hợp đồng quan trọng với Đơn vị Nghiên cứu Lâm sàng Đại học Oxford (OUCRU)”, Vinh tự hào chia sẻ.
Hiện đã bắt đầu hành trình tại Đại học Exeter, Vinh vô cùng hứng khởi với những gì tấm bằng này có thể đem đến cho anh.
Chàng trai trẻ đầy hoài bão mong muốn cải thiện sự tiếp cận và hòa nhập cho người khuyết tật từ phương diện cá nhân và phi cá nhân.
Anh nói: “Là một trong một số ít người khiếm thị thành công trong giới văn phòng ở Việt Nam, tôi nhận ra rằng bên cạnh sự kỳ thị, còn có khoảng cách cực lớn mà chính phủ, các tổ chức thiện nguyện, các cơ sở giáo dục và nhà tuyển dụng - tất cả đều phải cùng nhau cam kết thu hẹp; bản thân người khuyết tật cũng phải tích lũy kỹ năng, lấy dũng khí và thu thập kiến thức cần thiết để thực hiện bước nhảy vọt cần thiết đó”.
“Họ là những nhóm mà tôi mong muốn sẽ làm việc cùng sau khi tốt nghiệp thạc sĩ. Làm việc với các tổ chức giáo dục hướng tới khung hành động, giáo trình bao hàm, hay bản thân việc dạy và học vẫn chưa đủ. Làm việc trực tiếp với người khuyết tật qua quan hệ cố vấn để chia sẻ các kinh nghiệm vô giá trong quá trình họ học hỏi và phát triển sẽ cực kỳ hữu ích sau này khi họ thật sự bước vào làm việc ở chốn công sở, nơi không được xây dựng bởi họ và cũng không xây dựng dành cho họ”.
Bài: Hoàng Hà