Nêu cao tinh thần “Mình có thể làm được”
Trên hành trình tìm kiếm nền giáo dục tốt hơn cho bản thân, tân sinh viên ngành Ngôn ngữ Đại học RMIT Trần Văn Báu đã rời quê nhà Hà Tĩnh năm cậu bạn mới chín tuổi.
“Ở quê tôi có rất ít lựa chọn học hành dành cho học sinh khiếm thị”, Báu nhớ lại. “Chúng tôi đơn thuần chỉ được học đọc học viết rồi thôi”.
Phải tự chăm sóc bản thân từ thưở còn thơ suốt thời gian sống ở Bình Dương và sau đó tại một mái ấm ở TP. Hồ Chí Minh là giai đoạn đầy thử thách nhưng cũng hết sức giá trị với Báu.
Cậu bạn chia sẻ rằng, “thời gian đó tôi hơi bối rối vì không biết làm gì để không trở thành gánh nặng cho gia đình và xã hội”.
Và rồi, bên cạnh việc nỗ lực học hành, với bất cứ cơ hội nào có được Báu luôn cố gắng tận dụng tối đa với niềm tin mãnh liệt rằng “nếu bạn nỗ lực hết sức sẽ luôn có cơ hội dành cho bạn”.
“Ngoài việc học chính khoá, tôi còn được tiếp cận với công nghệ thông tin, các lớp học ngoại ngữ, cũng như các lớp học kỹ năng sống và kỹ năng mềm”, Báu nhớ lại hành trình bồi đắp sự tự tin cho bản thân qua nhiều năm dài và đạt được mốc quan trọng trở thành một trong những sinh viên nhận Học bổng Chắp cánh ước mơ Đại học RMIT năm 2021.
“Suốt nhiều năm, tôi đã có thể tự đi từ mái ấm đến nơi này nơi khác bằng xe buýt công cộng”, Báu nói và chia sẻ thêm về tài chơi guitar và sáo trúc, cũng như thành tích cao ở một số cuộc thi dành cho người khiếm thị như chơi cờ domino, thi hát và thi đấu Judo.
Năm 2018, Báu và bạn thân của mình đã thực hiện một dự án có tên gọi “Dạy để chia sẻ, cho bạn ngày mai”.
Báu cho biết: “Đây là một trong những dự án nhận được sự hướng dẫn của UNICEF cộng tác cùng Trung tâm Hỗ trợ đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp TP. Hồ Chí Minh (SIHUB) thông qua chương trình Thế hệ không giới hạn năm 2018-2019”.
“Chúng tôi đã thực hiện những buổi hướng dẫn chia sẻ và hoạt động cho các bạn trẻ, giúp các bạn giảm thời gian ngồi trước màn hình và trân quý những điều bình thường trong cuộc sống”.
Đó cũng là lúc Báu nhận ra rằng “khuyết tật thật ra chỉ bất tiện, chứ không bất hạnh”.
Vốn là người ham học hỏi, nên hiện tại trong thời gian chuẩn bị vào chương trình đại học chính, Báu vô cùng háo hức mong được tích luỹ kiến thức và kỹ năng mới để cậu bạn có thể chuyển ngữ các nguồn tài liệu quý báu sang tiếng Việt, nhằm giúp mọi người, nhất là người khiếm thị, có thể tiếp cận với những thông tin hết sức cần thiết.
Đào Thuỳ Linh và Trần Văn Báu nằm trong nhóm sáu sinh viên nhận Học bổng Chắp cánh ước mơ của Đại học RMIT năm nay thông qua sự hợp tác với bốn tổ chức phi chính phủ gồm REACH, KOTO, Hội người mù Việt Nam và Trung tâm Vì người mù Sao Mai.
Học bổng Chắp cánh ước mơ Đại học RMIT trao cho sinh viên có hoàn cảnh khó khăn cả về thể chất lẫn tài chính, những bạn trẻ nếu không có các suất học bổng này sẽ không thể tiếp cận với chương trình đại học. Đến nay, RMIT Việt Nam đã trao 22 suất Học bổng Chắp cánh ước mơ với tổng trị giá hơn 36 tỉ đồng.
Bài: Hoàng Hà