Chuyển đổi số giúp thương hiệu thời trang Việt tồn tại giữa đại dịch COVID-19

Chuyển đổi số giúp thương hiệu thời trang Việt tồn tại giữa đại dịch COVID-19

Theo các chuyên gia từ Đại học RMIT, thương hiệu thời trang trong nước đang có cơ hội hết sức đặc biệt để phát triển kinh doanh trong quá trình phục hồi từ COVID-19.

Phát biểu tại một buổi tọa đàm gần đây, hai giảng viên Đại học RMIT đã chia sẻ về phát triển thương hiệu chính thống trong nước trong một thế giới hậu COVID-19.

news-1-the-shift-to-digital-helps-local-fashion-brands-survive-amid-the-covid Hai giảng viên Đại học RMIT (đầu tiên bên trái và thứ hai từ phải sang) phát biểu tại một tọa đàm về phát triển thương hiệu địa phương chính thống trong một thế giới hậu COVID-19.

Chủ nhiệm ngành Quản trị doanh nghiệp thời trang Đại học RMIT, Tiến sĩ Nina Yiu cho biết đại dịch COVID-19 đã thách thức nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là những doanh nghiệp thấy thoải mái khi vận hành kinh doanh theo cách mà họ vẫn luôn làm trước đây. Bà giải thích rằng tương lai của mua sắm là trực tuyến, và doanh nghiệp phải thích ứng với điều này.

Tiến sĩ Yiu chia sẻ: “Đại dịch COVID-19 buộc một số mặt bằng kinh doanh phải đóng cửa và chuyển trọng tâm hoạt động sang trực tuyến”.

“JPMorgan dự báo số lượng người dùng mạng xã hội ở Việt Nam sẽ tăng lên 50,9 triệu trong năm 2021, so với 43,8 triệu vào năm 2017, và thương mại di động tại Việt Nam đến năm 2023 dự kiến sẽ tăng lên 10,2 tỉ đô la Mỹ với tỉ lệ tăng trưởng hàng năm là 18,6%”.

Trong một khảo sát người dân thành thị Việt Nam gần đây, hơn 87% người tham gia khảo sát trả lời rằng họ từng thực hiện giao dịch bằng phương thức thanh toán điện tử và cho biết quần áo là một trong những mặt hàng mua bán trực tuyến phổ biến nhất.

news-2-the-shift-to-digital-helps-local-fashion-brands-survive-amid-the-covid Chủ nhiệm ngành Quản trị doanh nghiệp thời trang Đại học RMIT, Tiến sĩ Nina Yiu cho biết các thương hiệu thời trang có thể tận dụng sự ra đời của công nghệ mới như tạo mẫu kỹ thuật số, tạo hình ảnh và các hình thức sản xuất kỹ thuật số liên quan khác.

Nhiều công ty nhận ra ngày càng nhiều người thích dùng các nền tảng trực tuyến để mua sắm quần áo và cập nhật những xu hướng thời trang. Để luôn “trong cuộc chơi” và tăng doanh số bán hàng, các công ty phải điều chỉnh hoạt động nhằm đáp ứng những nhu cầu số mới này.

“Các doanh nghiệp khởi nghiệp thời trang có thể tiếp cận khách hàng trực tuyến tiềm năng mà không cần đầu tư lớn, còn khách hàng Việt đã quen với việc đặt hầu hết mọi thứ trực tuyến và được giao đến tận nhà. Doanh nghiệp khởi nghiệp cũng có thể tận dụng lợi thế từ sự ra đời các công nghệ mới trong tạo mẫu kỹ thuật số, tạo hình ảnh và các hình thức sản xuất kỹ thuật số liên quan khác”, Tiến sĩ Yiu chia sẻ.

Trong khi đại dịch khiến mọi người hết sức lo âu và gây xáo trộn hầu hết các tổ chức, chuyên gia từ RMIT lại cho rằng đây là cơ hội để ngành công nghiệp non trẻ xem xét lại mô hình kinh doanh và xác định phương cách để tiếp cận nhiều khách hàng hơn.

Tiến sĩ Yiu nhấn mạnh: “Các thương hiệu trong nước cần đa dạng hóa sản phẩm và thị trường chứ không nên chỉ dựa vào một dòng sản phẩm để kinh doanh. Thương hiệu Việt nên hiểu khách hàng mục tiêu và thị trường ngách của mình, và thực hiện các chiến lược để giữ khách hàng trung thành, đồng thời nên hiểu biên lợi nhuận là bao nhiêu trước khi định giá bán lẻ hay áp dụng bất kỳ chương trình khuyến mãi hoặc giảm giá nào”.

Bất kỳ doanh nghiệp nào cũng cần phải thay đổi tư duy, đặc biệt là doanh nghiệp ngành thời trang.

news-3-the-shift-to-digital-helps-local-fashion-brands-survive-amid-the-covid Giảng viên ngành Thiết kế ứng dụng sáng tạo từ Đại học RMIT, ông Patrick Ford (giữa) đề xuất quy trình đổi mới thông qua kỹ thuật in kỹ thuật số trực tiếp lên vải để sản xuất số lượng ít.

Giảng viên ngành Thiết kế ứng dụng sáng tạo tại Đại học RMIT, ông Patrick Ford đã đề xuất một quy trình đổi mới thông qua kỹ thuật in kỹ thuật số trực tiếp lên vải (DTG).

“DTG không chỉ hấp dẫn về mặt kinh tế mà còn thể hiện động thái hướng đến cách tiếp cận bền vững hơn đối với sản xuất số lượng nhỏ”, ông Ford chia sẻ.

“Các doanh nghiệp khởi nghiệp thời trang trong nước hiện có thể sản xuất tại chỗ với số lượng nhỏ bằng cách in kỹ thuật số DTG trong quá trình phát triển sản phẩm mà không cần gia công in vải ở công ty khác. Đây không đơn thuần là một cỗ máy để tạo ra thành phẩm mà còn có thể đưa vào như một phần của quá trình phát triển thiết kế sản phẩm tổng thể, cho phép xem và đánh giá các thiết kế lặp lại khác nhau gần như ngay lập tức”.

Cả hai chuyên gia đã đưa ra những đề xuất quan trọng để các doanh nhân trẻ ngành thời trang cân nhắc trong giai đoạn phục hồi từ COVID-19.

  • Có chiến lược rõ ràng và làm trong khả năng
  • Xác định và tập trung vào bản sắc độc đáo riêng của thương hiệu, chẳng hạn như lồng ghép câu chuyện và cá tính riêng vào sản phẩm
  • Tin tưởng vào bản thân và phát triển ý tưởng riêng từ các chủ đề và lĩnh vực có ý nghĩa với bạn
  • Đừng dựa vào tổ hợp các mặt hàng cố định mà quên duy trì phát triển sản phẩm. Luôn suy nghĩ về những gì sẽ diễn ra tiếp theo
  • Tránh xa các sản phẩm có tuổi đời hạn chế
  • Xem xét các kỹ thuật dệt và những vấn đề như quản lý chất thải vải
  • Đừng sợ thất bại vì bạn có thể học hỏi từ những sai lầm

Phần phát biểu của hai chuyên gia từ Đại học RMIT thuộc phần thảo luận bàn tròn với sự tham gia của các chuyên gia trong ngành thời trang, may mặc và giải pháp kỹ thuật, trong khuôn khổ sự kiện có tên “Phát triển doanh nghiệp may mặc với kỹ thuật in trực tiếp kỹ thuật số lên vải năm 2021”.

Bài: Lê Mộng Thúy

  • Quan hệ doanh nghiệp
  • Thời trang
  • Sự kiện

Tin tức liên quan