“Chúng tôi đã giành được giải thưởng cao nhất A’ Design Award – giải Bạch Kim với thiết kế nhận diện hình ảnh cho thương hiệu bánh Mangata Patisserie Bakery và giải Vàng với thiết kế thương hiệu và bao bì cho thương hiệu nước trái cây ép lạnh JUS”, Duy hồi tưởng lại.
Duy cho biết thời điểm đó, nước trái cây ép lạnh là một khái niệm còn rất mới, ngay cả trên thế giới, nên việc phát triển thương hiệu là cơ hội vừa thách thức, vừa hứng khởi.
“Chúng tôi quyết định sáng tạo ra chai nước ép có hình tam giác lấy cảm hứng từ tam giác triết lý cân bằng trong yoga, sử dụng logotype được thiết kế riêng, theo hình thái bất đối xứng nhưng cân bằng về mặt thị giác. Tổng thể thiết kế tạo ra một hệ thống trực quan vừa tối giản vừa hiệu quả cho phép chính bản thân sản phẩm trở thành nhân vật chính của câu chuyện thương hiệu, cũng như giải quyết được bài toán startups chi phí thấp, không sử dụng bất kỳ KOLs nào”.
Duy tin rằng điều cốt yếu của một thiết kế “xịn sò” là tạo nên được hệ thống thiết kế bền vững với ý tưởng được trải xuyên suốt các “điểm chạm” với khách hàng và duy trì chiến lược cũng như câu chuyện thương hiệu một cách thông minh và mạch lạc nhất.
Anh nói: “Công việc của chúng tôi bao hàm hàng loạt giải pháp sáng tạo thuộc nhiều mảng khác nhau khai triển từ một ý tưởng chính, xuyên suốt từ hệ thống thương hiệu và đồ hoạ, sản phẩm và bao bì, website và trải nghiệm số, định hướng kiến trúc và nội thất, để tạo nên một ngôi sao từ con số không hoặc vực dậy một gã khổng lồ ngủ quên”.
Duy cho biết các dự án sáng tạo mà Mờ Nờ đã và đang thực hiện như Guta, JUS, labels: và Leman, thể hiện rõ nét nhất triết lý hoạt động của studio.
“Guta là chuỗi cà phê gắn kết sâu sắc với văn hoá cà phê đường phố Việt Nam”, anh nói. “Mô hình kinh doanh của họ là thích ứng – dễ dàng đặt ở bất kỳ ngôi nhà hay toà nhà, hay lề đường nào. Tái thiết thương hiệu Guta đồng nghĩa với việc tạo nên một thương hiệu cà phê đô thị. Vậy nên, thay vì tập trung vào cà phê như cách tiếp cận truyền thống, chúng tôi tạo ra một hệ thống nhận diện lấy cảm hứng từ văn hóa cà phê lề đường riêng biệt của Việt Nam, đưa người uống cà phê và chiếc ghế nhựa đi theo họ trở thành nhân vật chính”.
“Hoặc như JUS thì nhân vật chính là thiết kế bao bì chai độc lạ mang tính nhận diện cao. labels: với sự khai mở thị giác nhằm thể hiện trải nghiệm tinh tế và thay đổi liên tục của thương hiệu thông qua gu thời trang cao cấp. Leman với sự sắp xếp cầu kỳ phức tạp trên logo phản ánh quá trình thiết kế đặc thù riêng biệt của Leman Jewelry”, Duy chia sẻ về những thương hiệu khác mà anh từng làm qua.
“Cho đến nay, chúng tôi từng làm việc với đủ các ngành hàng từ bán lẻ, dịch vụ, chuỗi F&B, nhà hàng khách sạn, vàng bạc đá quý, làm đẹp, thời trang và giáo dục”, Duy nói.
Duy và cộng sự của anh dành tình yêu đặc biệt cho các thương hiệu Việt trong nước.
“Tôi luôn tự hỏi vẫn còn nhiều ‘đất’ sáng tạo, tại sao không hợp tác cùng doanh nghiệp trong nước để cùng nhau tạo nên những thương hiệu ý nghĩa và có tầm ảnh hưởng”, anh nói.
“Những ý tưởng đặc sắc và các câu chuyện phát triển thương hiệu độc đáo, thâm sâu mà tôi khai thác và tiếp cận thường đến khi tôi nghiên cứu văn hóa, thói quen người dùng riêng và chung của toàn ngành hàng”.
Hiện đang tái định hình cho Ngọc Thẩm Jewelry, thương hiệu vàng bạc đá quý ở miền Tây, anh chia sẻ rằng với văn hóa đặc thù miền Tây luôn đặc biệt kích thích trí sáng tạo của studio để khai thác các “điểm chạm” mới nhưng vẫn giữ được nét văn hóa truyền thống.
Duy hy vọng sẽ truyền cảm hứng để các bạn sinh viên RMIT khác đưa thiết kế Việt ra thế giới. “Nếu bạn đam mê điều gì đó, hãy chăm chỉ, cứ liều một phen và luôn học hỏi mỗi ngày”.
“RMIT đã trang bị cho tôi kỹ năng nghiên cứu và giải quyết vấn đề -- điều đóng vai trò hết sức quan trọng giúp tôi điều hành và phát triển thành công studio thiết kế của riêng mình”.
Bài: Hoàng Hà