Sự kiện tiếp nối thành công của tọa đàm lần thứ nhất diễn ra vào tháng 12/2020 tập trung vào hợp tác về chuyển đổi kỹ thuật số trong ngành sản xuất và các chuỗi cung ứng liên quan tại Việt Nam.
Tọa đàm lần thứ hai có sự tham gia của đại diện chính phủ Việt Nam và Australia, các trường đại học, cũng như các tập đoàn hàng đầu Việt Nam và toàn cầu như Siemens, Adobe, Ericsson, EVN, Vietnam Airlines, Dat Xanh Services và Vingroup.
Các đại biểu đã chia sẻ kinh nghiệm và tiến trình hợp tác giữa các trường đại học và cộng đồng doanh nghiệp, cũng như xác định các yếu tố quan trọng nhằm thúc đẩy phát triển Công nghiệp 4.0 ở Việt Nam, bao gồm xây dựng kỹ năng mới và chuyển đổi lực lượng lao động.
Ông Bùi Thế Duy, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, đã chia sẻ định hướng chiến lược nhằm hỗ trợ Việt Nam thích ứng với Công nghiệp 4.0 trong năm 2022 và tương lai.
Thứ trưởng nhấn mạnh tầm quan trọng của hợp tác công-tư nhằm thúc đẩy thương mại hóa các kết quả nghiên cứu và tính ứng dụng của nghiên cứu. Hơn nữa, ứng dụng công nghệ phải song song với phát triển chính sách và khuôn khổ pháp lý theo hướng tạo điều kiện phát triển và ứng dụng những công nghệ này. Thứ trưởng cũng nhấn mạnh phải chuyển đổi số sâu và rộng, trong đó yếu tố con người phải là trọng tâm của công cuộc chuyển đổi.
Ông nhận định: “Các doanh nghiệp và trường đại học phải tăng cường hợp tác hơn nữa và qua đó đưa ra những giải pháp cho Công nghiệp 4.0. Chúng tôi khuyến khích các doanh nghiệp và trường đại học tận dụng các nguồn tài trợ từ chính phủ để phục vụ mục đích nghiên cứu”.
Thứ trưởng cho biết: “Chúng tôi mong muốn tiếp tục hỗ trợ các sáng kiến hợp tác không chỉ ở cấp chính phủ, mà còn giữa giới học thuật và cộng đồng doanh nghiệp hai nước”.
Đại học RMIT và các đối tác doanh nghiệp đã giới thiệu kinh nghiệm của Australia trong việc chuyển đổi kỹ thuật số và hợp tác nghiên cứu với doanh nghiệp trong các lĩnh vực phù hợp của Công nghiệp 4.0 như trí tuệ nhân tạo công nghiệp, Internet vạn vật, blockchain, điện toán đám mây, sản xuất bồi đắp (in 3D), an ninh mạng, v.v.
Giáo sư Aleks Subic, Thừa hành Phó chủ tịch Hội đồng trường (phụ trách Phân viện STEM) và Phó giám đốc phụ trách Đổi mới kỹ thuật số tại Đại học RMIT, cho biết: “Sẽ có những công việc mới xuất hiện trong thế giới hậu COVID do động lực từ phát triển công nghệ. Vì vậy, chúng ta cần sẵn sàng đón đầu thử thách này với những năng lực và kỹ năng phù hợp. Thách thức đối với chúng ta là tạo điều kiện cho những mô hình hợp tác mới để thúc đẩy phát triển kỹ năng mới với quy mô và tốc độ lớn”.
Giáo sư Subic nói: “Chỉ thông qua quan hệ đối tác giữa các doanh nghiệp, trường đại học và chính phủ thì chúng ta mới có thể sẵn sàng đối mặt với thách thức này, đồng thời đem đến nền giáo dục có năng lực chuyển đổi trên quy mô toàn cầu và những công trình nghiên cứu có tác động mạnh, cũng như đầu tư vào đổi mới sáng tạo trong nhiều lĩnh vực”.
Là đồng chủ tọa của tọa đàm lần thứ hai về Công nghiệp 4.0, ông khẳng định Đại học RMIT cam kết tiếp tục phát triển quan hệ đối tác với tất cả các bên liên quan nhằm hỗ trợ thích ứng với Công nghiệp 4.0 và hiện thực hóa lợi ích của Công nghiệp 4.0 trên tất cả các lĩnh vực tại Việt Nam.