Giám đốc cấp cao phụ trách học thuật Giáo sư Rick Bennett cho biết câu chuyện thành công của Bình là thể hiện của tinh thần kiên gan bền chí, đi đến tận cùng.
“Bình tìm thấy cảm hứng tại RMIT và tự đặt ra cho mình một mục tiêu vô cùng khó khăn, nhưng cuối cùng bạn cũng đã gặt hái được thành công. Bình là ví dụ điển hình thể hiện cho những gì nhà trường đã thực hiện được trong 20 năm qua ở Việt Nam”, ông nói.
Bình là đồng sáng lập của hai công ty Kỹ năng sinh tồn SSVN và SiGen. Bình chia sẻ rằng anh nhận được phần tư vấn hướng nghiệp tốt nhất tại RMIT nên anh đã “tiếp tục theo đuổi hành trình này dẫu có lúc đường đi không mấy rõ ràng”.
“Sau khi tốt nghiệp, mục tiêu của tôi là vào năm 30 tuổi làm thế nào đó để kết hợp việc kinh doanh với niềm đam mê công tác xã hội của mình vào một sự nghiệp duy nhất. Và tôi đã đạt được điều đó trước ba năm”.
Bình cho biết anh tìm thấy niềm đam mê với các công tác xã hội từ những hoạt động câu lạc bộ ở RMIT.
“Thời điểm đó khái niệm ‘doanh nghiệp xã hội’ chưa được biết đến ở Việt Nam, nhưng tôi đã biết mình vừa muốn kinh doanh giỏi, vừa muốn đóng góp cho xã hội”.
Dù biết rõ mình muốn gì, anh vẫn thất bại nhiều lần trước khi tìm ra cách đạt thành ước mơ. Anh luôn kiên gan bền chí trên hành trình này.
“Tôi đã thử nhiều công việc mà tôi nghĩ có thể phục vụ cho xã hội, nhưng không có công việc nào thực sự thoả mãn mong muốn của tôi. Tôi từng là công chức nhà nước, sáng lập tổ chức phi lợi nhuận, giảng viên, chủ doanh nghiệp trong rất nhiều lĩnh vực như đầu tư, sản xuất, giáo dục, môi trường, marketing. Đôi khi, điều đó rất mệt mỏi. Nhưng tôi có một mục tiêu duy nhất và tôi sẽ nỗ lực cho đến khi có thể kết hợp chuyên môn mình học là kinh doanh với đam mê của mình là tạo ra tác động xã hội vào trong một sự nghiệp”.
Khi đi sâu vào quản lý và vận hành doanh nghiệp xã hội, Bình nhận thấy kiến thức và kỹ năng kinh doanh trong lĩnh vực phi lợi nhuận thường còn hạn chế nên phần lớn các đơn vị này phải dựa vào những khoản đóng góp từ thiện, và vì vậy nên thường thất bại.
“Thời điểm đó, ba tôi và tôi cùng thực hiện một sáng kiến giải quyết các bệnh sinh ra từ muỗi do hệ thống cống rãnh. Tôi còn làm tình nguyện viên cho Kỹ năng sinh tồn Việt Nam - dự án nỗ lực giảm tỉ lệ tử vong và thương tật ở Việt Nam thông qua phổ cập sơ cứu. Cả hai dự án đều gặp khó khăn trong việc tạo ra nguồn thu và thương mại hoá sản phẩm”, Bình chia sẻ.
“Một ngày nọ, trong một lớp dạy về sơ cấp cứu, tôi đã gặp một bạn học sinh cùng học lớp với tôi. Bạn ấy chia sẻ rằng ba bạn ấy đã mất vào hai tháng trước. Thời điểm đó, bác ấy ngưng tim và cả gia đình không biết làm gì, nên khi xe cấp cứu đến thì bác đã mất. Bạn đó nói nếu như em biết sơ cứu trước đó hai tháng, ba em có thể đã không mất”.
“Tôi lập tức có suy nghĩ rằng nếu tôi không làm điều gì đó, sẽ có người phải nhìn thấy người thân của mình, bạn bè của mình mất trong vô vọng. Và tôi cũng không muốn một đứa trẻ khác cũng có trải nghiệm kinh khủng như vậy. Tôi có thể rời đi và về lại văn phòng vào ngày hôm sau, rồi vờ như chưa bao giờ gặp cậu bé đó. Nhưng điều này sẽ ám ảnh tôi đến cuối đời nếu tôi không làm điều gì để có thể cứu người, nên tôi đã quyết định chuyển hai dự án mình đang thực hiện thành hai doanh nghiệp như hiện nay”.
Kỹ năng sơ cấp cứu SSVN, thông qua cả chương trình thương mại và phi lợi nhuận, đã phổ cập kiến thức sơ cứu cho hơn 32 ngàn lượt người.
Bình cho biết: “Chúng tôi là doanh nghiệp duy nhất ở Việt Nam cung cấp chương trình giáo dục sơ cấp cứu phi lợi nhuận thường xuyên và là đơn vị duy nhất có một loạt sản phẩm số để phổ cập kiến thức sơ cấp cứu đến cho mọi người. Chúng tôi muốn đảm bảo rằng tất cả mọi người đều được phổ cập kiến thức sơ cứu, dù họ có khả năng chi trả cho khoá học hay không, để nếu có người gặp nạn sẽ luôn có người sẵn sàng giúp đỡ”.
Bình nhắn nhủ các bạn sinh viên hiện đang theo học và sẽ theo học tại RMIT rằng “những năm 20 tuổi chỉ đến được một lần. Tôi năm nay chỉ mới 30, và khi nhìn lại tuổi trẻ của mình tôi cảm thấy rất hạnh phúc vì nó đầy ắp những kỷ niệm đẹp và những cuộc phiêu lưu. Điều bạn sẽ hối tiếc chính là không làm khi có cơ hội, chứ không phải thất bại khi thực hiện điều đó. Tất cả mọi người sẽ không nhớ bạn thất bại như thế nào, nhưng những thất bại đó sẽ là những bài học và kỷ niệm đáng nhớ của bạn”.
“Như từng đề cập trong một trong những giá trị của RMIT – tạo tác động xã hội, tôi tin rằng khi mỗi người đóng góp một phần công sức của mình, chúng ta có thể tạo nên một thế giới tốt đẹp hơn. Về phần mình, tôi luôn tìm cách đóng góp cho cộng đồng từ những ngày còn ngồi trên ghế nhà trường và tôi sẽ tiếp tục làm như vậy, và hy vọng sẽ cùng bạn tạo ra những thay đổi tích cực cho xã hội”.
Bài: Sue Nelson