Tiến sĩ Đinh Ngọc Minh, giảng viên Khoa Khoa học và Công nghệ đồng thời là tác giả chính của nghiên cứu, cho biết hệ thống y tế ở các nước LMIC đang đối mặt với nhiều thách thức tác động đến chất lượng chăm sóc, đặt biệt với các ca bệnh nặng đòi hỏi đội ngũ nhân viên y tế có chuyên môn cao, cũng như trang thiết bị đắt tiền trong chẩn đoán và điều trị.
Ông nói: “Thách thức mà ngành y tế nhiều quốc gia đang phải đối mặt thường liên quan đến việc bố trí nguồn lực như tiếp cận y tế, chẩn đoán và điều trị thích hợp, hệ thống và chi phí y tế. Tuy nhiên, ở các nước LMIC nơi nguồn lực hạn chế, vượt qua những thách thức này còn khó khăn hơn”.
Theo Tiến sĩ Minh, các tiến bộ kỹ thuật và công nghệ gần đây có thể đem đến những biện pháp thay thế đột phá và mới lạ cho cách thức chăm sóc thông thường hiện nay, điều có thể khiến đội ngũ nhân viên y tế và các trang thiết bị tốn kém không còn cần thiết.
Từ khi học máy (Machine Learning) và học sâu (Deep Learning) trở nên phổ biến, học máy dần dần được ngành y tế đón nhận nhờ năng lực phân tích lượng dữ liệu y tế khủng để đưa ra căn cứ đánh giá nguy cơ đúng thời điểm, phân bổ nguồn lực chính xác và chẩn đoán bệnh.
“Tổ chức Y tế Thế giới dự đoán có đến hai phần ba dân số thế giới không được chụp X quang và chẩn đoán. Và dẫu chụp X quang ngực hiện đã có mặt ở các phòng chăm sóc đặc biệt tại các quốc gia LMIC, số chuyên gia có thể đọc kết quả phim chụp còn rất ít. Trí tuệ nhân tạo và học sâu nói riêng có thể đem đến giải pháp giải quyết vấn đề này vì chúng rất thích hợp trong việc nhận diện dạng mẫu. Nhiều nghiên cứu vừa công bố chỉ ra rằng ứng dụng học sâu có thể hỗ trợ chụp phim lồng ngực, và những kho dữ liệu đồ sộ là nền tảng giúp xây dựng các thuật toán đủ để thực hiện phương pháp này”.
Ngoài việc nâng cao hệ thống chẩn đoán, học sâu còn cho thấy lợi thế rất lớn trong hỗ trợ việc đưa ra quyết định và quản trị y tế.
“Học máy đem đến khung phân tích dữ liệu đa phương thức đa chiều - một lợi thế trong khảo sát dữ liệu y sinh phức tạp, đồng thời cho thấy triển vọng trong cải thiện tầm soát, chẩn đoán và kiểm soát bệnh”, Tiến sĩ Minh cho hay. “Và với mảng chăm sóc đặc biệt, nơi thường có khối lượng dữ liệu cực kỳ lớn, học sâu đặc biệt rất được quan tâm”.
Nghiên cứu phát hiện rằng các ứng dụng học sâu có thể được phát triển để nhận diện và truy vết bệnh mãn tính và bệnh nhân nguy cơ cao tốt hơn, nhằm giúp giảm số lượng bệnh nhân nhập viện/tái nhập viện cũng như các yêu cầu quyền lợi y tế.
Tiến sĩ Minh đưa ra ví dụ về kênh nghiên cứu sinh học của BERG, nơi dùng học sâu để nhận diện phân tử cơ bản của các biến cố nhằm vẽ ra phác đồ bệnh và các phương thức điều trị bệnh ung thư, thần kinh và các bệnh hiếm khác.
“Công nghệ cho phép các cơ sở y khoa có thể chọn phương thức chữa trị có thể dự đoán được, thay vì dựa vào phương pháp thử-sai”, Tiến sĩ Minh giải thích.
“Với việc gia tăng sử dụng hồ sơ y tế điện tử ở các nước LMIC, những công nghệ này ngày càng cho thấy sự thích hợp với hệ thống y tế có nguồn lực giới hạn, đặc biệt với các hệ thống được thiết kế quanh chi phí và hoá đơn. Hiểu hơn về chi phí chăm sóc đặc biệt có thể giúp can thiệp và dùng nguồn lực phù hợp, cũng như có thể bảo vệ nhóm dễ bị tổn thương khỏi các chi phí thừa hay không cân đối”.
Tiến sĩ Minh nhấn mạnh vào những tác động đáng kể mà hệ thống trí tuệ nhân tạo có thể đem đến cho các quốc gia LMIC, đồng thời giải quyết được nhiều rào cản trong việc đem đến chăm sóc đặc biệt chất lượng cao.
Ông nói: “Giảm chi phí và chuyên gia cần thiết để giám sát và chữa trị cho những bệnh nhân rất nặng là bước quan trọng không chỉ giúp cải thiện bệnh tình bệnh nhân, mà còn giảm bất công trong cung cấp dịch vụ y tế”.
“Những nhân viên bận rộn và ít được đào tạo chuyên sâu hơn có thể được hệ thống hỗ trợ ra quyết định lâm sàng học sâu trợ giúp. Và khi có càng nhiều quốc gia dùng hồ sơ y tế điện tử, dữ liệu thu thập từ đây có thể dùng vào hệ thống hỗ trợ ra quyết định lâm sàng hoặc dịch vụ chăm sóc sức khoẻ tối ưu hoá.
Ở Việt Nam, công cụ hỗ trợ ra quyết định lâm sàng dựa trên học máy cho bệnh uốn ván và sốt xuất huyết, cũng như phân tích hình ảnh dựa trên học sâu cho bệnh lao, viêm màng não do não mô cầu và sốt xuất huyết, đang được phát triển trong khuôn khổ dự án VITAL (Thí nghiệm ứng dụng công nghệ trong chăm sóc đặc biệt ở Việt Nam).
Tiến sĩ Minh còn xác định và chỉ ra một số xu hướng mà hệ thống y tế, đặc biệt mảng chăm sóc đặc biệt, tại các nước LMIC có thể được lợi.
“Thế hệ công nghệ thông tin mới như Internet vạn vật, dữ liệu lớn, điện toán đám mây và crowdsourcing (hình thức tạo ra sản phẩm, thu thập thông tin hoặc ý kiến từ một nhóm người đông đảo gửi dữ liệu của mình qua Internet, mạng xã hội hoặc ứng dụng điện thoại thông minh), đã và đang chuyển đổi hệ thống y tế trở nên không chỉ hiệu quả và tiện lợi hơn, mà còn cá thể hoá hơn, cũng như với chi phí thấp hơn”, ông chia sẻ. “Bệnh nhân có thể được trang bị các thiết bị điện tử đeo được để theo dõi sức khoẻ thường xuyên, hoặc dùng điện thoại chi phí thấp như nguồn dữ liệu trực tuyến để tầm soát việc lây lan dịch bệnh”.
Báo cáo nghiên cứu giữa Đại học RMIT và Đơn vị Nghiên cứu lâm sàng Đại học Oxford (OUCRU) tại TP. Hồ Chí Minh với tiêu đề “Công nghệ mới cải thiện y tế ở các quốc gia thu nhập trung bình thấp: sự kiện vệ tinh của chương trình Grand Challenges toàn cầu, Đơn vị Nghiên cứu lâm sàng Đại học Oxford (OUCRU) tại TP. Hồ Chí Minh, ngày 17-19/9/2020” thuật lại kết quả của sự kiện diễn ra trong khuôn khổ Hội nghị Kỹ thuật thượng đỉnh của Grand Challenges toàn cầu tại TP. Hồ Chí Minh.
Thành viên khác trong nhóm nghiên cứu gồm giảng viên ngành Công nghệ thông tin Khoa Khoa học và Công nghệ RMIT Tiến sĩ Joseph Nygate, và Nghiên cứu viên lâm sàng hậu tiến sĩ Vân Hoàng Minh Tú và Nghiên cứu viên lâm sàng cấp cao Tiến sĩ Louise Thwaites thuộc OUCRU.
Tiến sĩ Thwaites cho biết đại biểu tham dự sự kiện, cả trong nước lẫn quốc tế, đã đóng góp nhiều ý kiến và đề xuất độc đáo vào phần thảo luận về cách làm thế nào để giải quyết những thách thức trong hệ thống y tế các nước LMIC, cũng như bắt đầu nghĩ về các giải pháp tiềm năng cho vấn đề này.
“Tính đa dạng của các nhóm chuyên gia toàn cầu đã khởi động một số dự án nghiên cứu mới. Một trong số đó, có sự tham gia của thực tập sinh là sinh viên RMIT Việt Nam, vừa được trình bày tại sự kiện quốc tế AHT2020”, bà cho hay.
Bài: Hoàng Hà