Theo Thư, tiêu dùng quá độ là một trong những lý do khiến thời trang đang tác động nặng nề lên môi trường.
“Trước khi thời trang được sản xuất hàng loạt, quần áo chúng ta mặc thường do người nhà hoặc người quen may cho. Những trang phục chúng ta mặc thường sẽ đầy cảm xúc, mang ý nghĩa về mặt tinh thần và đầy tình yêu thương”, Thư nói.
“Giờ đây, sở hữu một món quần áo hết sức đơn giản - chỉ cần tới cửa hàng hoặc trung tâm thương mại để mua mà không cần quan tâm xem ai là người làm ra món đồ đó. Nếu không có món đồ chúng ta muốn sẽ luôn có món khác và nếu không thích nữa thì có thể vứt đi”.
“Vì vậy, tôi quyết định xây dựng mô hình ký gửi và bán lại quần áo cũ với mong muốn đem đến cho các món đồ đã qua sử dụng một cơ hội nữa, kéo dài thêm tuổi thọ của chúng và giảm thiểu tác động của rác thải thời trang lên môi trường”, cô cho biết.
Thư chia sẻ rằng chính thời gian theo học ngành thời trang ở RMIT đã vun đắp cho sự nghiệp của cô hiện nay.
Ngoài giải thưởng dành cho sinh viên ngành Thời trang có thành tích tốt, thời còn đi học, Thư còn được một tạp chí thời trang lớn ở Việt Nam nhận vào làm thực tập sinh.
Đến năm cuối đại học, cô đã thắng dự án hợp tác với một tập đoàn đa quốc gia, nhờ đó có thêm cơ hội tiếp cận với các vị trí như tổ chức sự kiện thời trang và tư vấn thời trang tại các công ty lớn khác ở Việt Nam.
Nhìn lại sự nghiệp cho đến ngày nay, điều khiến Thư tự hào nhất là bản thân luôn chủ động tìm kiếm cơ hội chứ không chờ đợi cơ hội đến với mình.
“Giờ đây khi bản thân là lãnh đạo doanh nghiệp, tôi cũng luôn khuyến khích nhân viên chủ động đưa ra ý kiến hoặc đề xuất ý tưởng mới, chứ không chỉ lắng nghe và làm theo những công thức có sẵn. Đó là điều tôi đã học được ở RMIT và áp dụng vào công việc của mình, và theo tôi cũng chính là cách để xây dựng đội ngũ lãnh đạo tương lai”.
Tìm hiểu thêm về hành trình của Thư Vũ qua đoạn phim do Đại học RMIT thực hiện nhân dịp kỷ niệm 20 năm hoạt động tại Việt Nam.