Tiến sĩ Said Zahedani đã dành phần lớn thời gian của mình để làm việc trong lĩnh vực công nghệ, kinh qua nhiều vị trí lãnh đạo cấp cao ở nhiều quốc gia tại các công ty lớn. Chính điều này đã giúp những học viên được học môn "Tương lai công nghệ” với ông thu nhận được nhiều kiến thức lẫn kinh nghiệm phong phú và đa dạng, giúp họ làm giàu thêm vốn sống lẫn kỹ năng. Ông nhận định “Công nghệ phải tạo thêm giá trị cho mọi khía cạnh cuộc sống”.
Là một người theo lối tư duy thực tiễn, Tiến sĩ cũng có phong thái giảng dạy riêng của mình với mục tiêu đảm bảo học viên học và vận dụng được vào thực tế. Ông chia sẻ rằng khi giảng dạy, bản thân ông luôn tuân thủ 3 điều cốt lõi: học viên là trọng tâm, nội dung thiết thực và tư duy phản biện.
"Tôi cố gắng tối đa hóa trải nghiệm học tập bằng cách sử dụng các tình huống thực tế và kết hợp các ví dụ từ quá trình làm việc trong ngành kỹ thuật của mình." Để nói về hành trình đổi mới sáng tạo mang tính chất từ “giải pháp” đến “cách mạng”, tiến sĩ đưa ví dụ thực tế từ Apple. Từ iPod Shuffle đến iPhone và Apple Watch, mọi sản phẩm đều mang đến sự khác biệt và sự ra đời của những sản phẩm này đã thay đổi hành vi tiêu dùng. Chiếc đồng hồ không chỉ để xem giờ giấc, nó còn có chức năng nghe gọi giống như một chiếc điện thoại và còn có thể theo dõi sức khỏe của người dùng. Giới chuyên môn từng hoài nghi về sự thành công iPhone màn hình lớn nhưng thực tế đã cho thấy điều ngược lại. Chính công nghệ và những phát kiến đổi mới đã giúp Apple giữ vững được thành tựu và vị thế của mình. Không phải chỉ là đọc hay nghe nắm bắt thông tin, chúng ta còn cần biết kết nối mọi thứ chúng ta lưu trữ trong não bộ lại với nhau, không ngừng đặt câu hỏi về vấn đề đó. Chẳng hạn ở đây là tại sao Apple làm được những điều này và chúng ta có thể rút ra bài học gì?
Khi được hỏi về vai trò lãnh đạo của nữ giới trong lĩnh vực công nghệ, Tiến sĩ Zahedani cho biết: “Tôi nghĩ các công ty nên dành 50% vị trí lãnh đạo cho những người phụ nữ tài năng." Trong suốt quá trình làm việc với nhiều nhân sự cấp cao tại Việt Nam từ năm 2011, ông “đã chứng kiến những tài năng nữ xuất sắc. Họ rất cam kết, khao khát đạt được nhiều hơn, duy trì các tiêu chuẩn đạo đức công việc cao và có tinh thần làm việc mạnh mẽ,” Tiến sĩ Zahedani nói thêm.
"Tương lai công nghệ” là một trong những môn học rất thú vị thuộc chương trình Thạc sĩ Kinh doanh quốc tế tại RMIT Việt Nam. Qua môn học này, học viên được trang bị kỹ năng và tư duy để thấu hiểu những làn sóng công nghệ mới, từ đó định hình tương lai với đổi mới sáng tạo và mục tiêu rõ ràng.
Bài: Kiều Nguyễn