Quỹ thiết kế và Nghệ thuật số

Chương trình là cơ hội học tập và phát triển cho các nhà thiết kế và nghệ sĩ phát triển một dự án kỹ thuật số theo sự lựa chọn của họ.

Giới thiệu

Khoa Truyền thông và Thiết kế (SCD) tại RMIT Việt Nam hân hạnh thông báo ra mắt phiên bản thứ ba của chương trình Quỹ Thiết kế và Nghệ thuật Số, Đại học RMIT Việt Nam.

Chương trình là cơ hội học tập và phát triển cho các nhà thiết kế và nghệ sĩ phát triển một dự án kỹ thuật số theo sự lựa chọn của họ. Chúng tôi tìm kiếm hai ứng viên có sự quan tâm và kinh nghiệm trong lĩnh vực Thiết kế và Nghệ thuật số.

RMIT sẽ cung cấp quyền truy cập các công cụ phần mềm và phần cứng của trường, đồng thời hỗ trợ phù hợp về mặt kỹ thuật. Tất cả các đề xuất sẽ được xem xét dựa trên độ thích hợp, nguồn lực và chuyên môn sẵn có của Khoa Truyền thông và Thiết kế. Xem chi tiết dưới đây

  • Phát triển dự án đã chọn trong vòng bốn tháng theo khung thời gian sắp xếp bởi SCD.
  • Tập trung vào dự án: phải đạt kết quả theo đề xuất ban đầu.
  • Thành quả được trình bày trên chất liệu kỹ thuật số.

  • Có ít nhất bốn năm kinh nghiệm đã được kiểm chứng trong lĩnh vực Thiết kế và Nghệ thuật số nếu ứng viên không phải là cựu sinh viên của RMIT Việt Nam.
  • Có ít nhất hai năm kinh nghiệm đã được kiểm chứng trong lĩnh vực Thiết kế và Nghệ thuật số sau khi tốt nghiệp từ RMIT Việt Nam nếu ứng viên là cựu sinh viên của RMIT Việt Nam.
  • Giao tiếp và viết tiếng Anh thành thạo.
  • Là công dân Việt Nam (có hộ chiếu hoặc căn cước công dân Việt Nam).
  • Có thể tham gia vào các hoạt động ngoại khóa không thường xuyên dành cho sinh viên RMIT (ví dụ như các buổi nói chuyện của diễn giả khách mời, đi thực tế, giới thiệu dự án, v.v…) để chia sẻ tiến độ của dự án.
  • Có mặt ở Thành phố Hồ Chí Minh vào thời điểm triển lãm diễn ra.
  • Không phải là nhân viên hoặc sinh viên của RMIT ở thời điểm nộp bài và trong khung thời gian của dự án.
  • Không có mối quan hệ trực hệ (cha mẹ, con, anh chị em ruột, anh chị em cùng cha khác mẹ hoặc cùng mẹ khác cha, vợ chồng) với nhân viên của RMIT.

  • Hỗ trợ thích hợp về mặt kỹ thuật và nguồn lực của SCD cho dự án của mình.
  • Hỗ trợ chi phí lên tới 55.000.000 Việt Nam Đồng cho mỗi dự án để trang trải chi phí sản xuất dự án và các chi phí liên quan khác (như thuế thu nhập cá nhân).
  • Hỗ trợ chi phí lên tới 45.000.000 Việt Nam Đồng (cho mỗi ứng viên tham gia) cho buổi triển lãm nhóm, bao gồm hai dự án sau khi chất lượng của chúng đã được xem xét và phê duyệt bởi SCD, RMIT Việt Nam. Khoản hỗ trợ bao gồm tất cả chi phí triển lãm (như phí người giám tuyển triển lãm, phí thiết bị và địa điểm) và các chi phí liên quan khác (như thuế thu nhập cá nhân).
  • Hỗ trợ từ SCD, RMIT Việt Nam cho các cơ hội tài trợ khác (địa điểm triển lãm, thiết bị v.v...) nếu không có mâu thuẫn quyền lợi.

Mốc thời gian

Các mốc thời gian được chia thành ba giai đoạn như sau

  • Nộp đơn: ngày 08/01/2025 đến ngày 21/02/2025 (23:59 GMT+7)
  • Thông báo và phỏng vấn vòng sơ tuyển: từ ngày 24/02/2025 đến ngày 27/02/2025
  • Thông báo kết quả tuyển chọn chung cuộc: ngày 28/02/2025

  • Khởi động dự án: ngày 03/03/2025
  • Bài thuyết trình tiến độ làm việc lần một: ngày 28/03/2025
  • Bài thuyết trình tiến độ làm việc lần hai: ngày 16/04/2025
  • Hoàn thành dự án và bài thuyết trình cuối: ngày 04/06/2025

Vui lòng lưu ý rằng cho mỗi bài thuyết trình tiến độ làm việc, các ứng viên phải chứng minh tiến độ dự án của họ thông qua các tác phẩm như video, bản vẽ phác thảo, kịch bản phân cảnh và một bài thuyết trình tổng quát về những phát triển hiện có. Ban giám khảo có quyền loại tác phẩm của ứng viên nếu được đánh giá là không đạt đủ điều kiện cho bài thuyết trình tiến độ làm việc. Trong những trường hợp này, khoản tài trợ của ứng viên sẽ bị thu hồi.

  • Ứng viên sẽ làm việc trực tiếp với người giám tuyển triển lãm để đề xuất kế hoạch cho một buổi triển lãm kết hợp và cần bao gồm các thông tin như sau:
    • Kế hoạch thi công triển lãm cho dự án của mỗi ứng viên.
    • Mốc thời gian (sản xuất, in ấn, lắp ráp và tháo gỡ, phần mở đầu chương trình và các hoạt động liên quan v.v...).
    • Bảng báo giá dự trù nêu tất cả các khoản (địa điểm triển lãm, tài liệu bản cứng hoặc mềm, thiết bị dụng cụ, số lượng, dịch vụ catering, sản xuất truyền thông v.v...).
    • Kế hoạch truyền thông.
    • Đối tác hoặc nhà tài trợ tiềm năng (nếu có).
  • Vui lòng lưu ý rằng ngân sách phân bổ đã bao gồm chi phí địa điểm triển lãm, thiết bị và người giám tuyển triển lãm. Ứng viên được khuyến khích hợp tác với giám tuyển được chỉ định bởi chính ứng viên hoặc SCD, RMIT Việt Nam.
  • SCD, RMIT Việt Nam sẽ hỗ trợ ứng viên nộp hồ sơ đăng ký những hạng mục tài trợ khác như địa điểm triển lãm và thuê thiết bị chuyên nghiệp.
  • RMIT Việt Nam và các ứng viên sẽ ký kết một hợp đồng thoả thuận về việc sử dụng khoản tài trợ. Nếu ứng viên không thể hoàn thành hoặc không thể hoàn thành toàn bộ dự án, ứng viên phải thông báo RMIT Việt Nam cùng lí do cụ thể. Trong những trường hợp này, RMIT Việt Nam có quyền kết thúc hợp đồng sớm và có thể cắt giảm một hoặc toàn phần tiền thù lao đã thoả thuận dựa trên kết quả được nộp vào thời điểm đó. RMIT Việt Nam cũng có quyền yêu cầu phí bồi thường cho các hư tổn nếu ứng viên không đáp ứng đủ điều kiện đã thoả thuận trong thời gian hoàn thành.
  • Hạn chót nộp đề xuất: ngày 12 tháng 8 năm 2025.

Cách thức nộp đơn

Để ứng tuyển, vui lòng nộp đơn trước ngày 21/02/2025 (23:59 GMT+7).

1. Lý lịch bản thân

2. Hồ sơ năng lực

3. Bản đề xuất dự án

  1. Lý lịch bản thân đính kèm các giấy tờ liên quan (sao y công chứng hộ chiếu hoặc căn cước công dân Việt Nam, chứng chỉ tiếng Anh, kinh nghiệm chuyên môn được kiểm chứng, bằng khen thưởng, nếu có).
  2. Hồ sơ năng lực (portfolio) dưới dạng .pdf, bao gồm
    • Bản tuyên ngôn nghệ sĩ, thể hiện các mối quan tâm cá nhân liên quan tới thực hành nghệ thuật và thiết kế.
    • Hồ sơ tài liệu ảnh gồm 5 tác phẩm xuất sắc nhất gần đây, kèm theo phần mô tả ngắn gọn (dưới 200 từ) cho mỗi tác phẩm. Đối với tác phẩm sử dụng chất liệu công nghệ mới (phần mềm, VJ, ứng dụng, v.v...) và video, vui lòng đính kèm liên kết công khai (Vimeo, Youtube hoặc trang web, v.v...) trong phần mô tả để dễ truy cập. 
  3. Một văn bản (PDF) trình bày ngắn gọn dự án đề xuất của ứng viên. Văn bản bao gồm
    • Tên của ứng viên
    • Tiêu đề tạm thời của dự án
    • Các kết quả hoặc tác phẩm dự kiến của dự án, bao gồm kết quả mà ứng viên sẽ trình bày trong ba bài thuyết trình tiến độ làm việc
    • Đề xuất ngân sách, nêu tất cả các nguồn tài nguyên mà dự án yêu cầu (yêu cầu về không gian, vật liệu, phần mềm, phần cứng v.v...) 
    • Bất kỳ hỗ trợ cụ thể nào khác mà dự án yêu cầu (hỗ trợ về kỹ thuật, chẳng hạn như hỗ trợ về phần mềm v.v...)

Lưu ý rằng các tài liệu phải viết bằng tiếng Anh. 

Mọi câu hỏi và thắc mắc, xin vui lòng liên hệ email digiartgrants@rmit.edu.vn.

Sở hữu trí tuệ

  1. Sở hữu trí tuệ (hoặc IP) gồm tất cả các quyền về bản quyền và những quyền liên quan, thiết kế, sơ đồ mạch điện, thương hiệu, bí mật kinh doanh, bí quyết, đạo đức, thông tin bảo mật, bằng sáng chế, phát minh và tên miền.
  2. Tất cả đề xuất phải là bản gốc, và không được vi phạm quyền lợi của bên thứ ba. Ứng viên sẽ chịu trách nhiệm mọi vấn đề pháp lý phát sinh từ việc vi phạm bản quyền.
  3. RMIT Việt Nam sẽ không giữ bất kỳ quyền sở hữu trí tuệ (IP) nào; tất cả quyền sở hữu trí tuệ (IP) sẽ thuộc về ứng viên.
  4. Ứng viên sẽ cho phép RMIT Việt Nam quyền không độc quyền để sử dụng tác phẩm trong vòng năm năm kể từ thời điểm công bố, bản vật lý lẫn truyền thông trực tuyến, nhằm mục đích truyền thông và lưu trữ của RMIT Việt Nam, và không nhằm mục đích thương mại.
  5. Đối với đề xuất và quá trình tạo tác phẩm, được gọi là tiến độ làm việc (WIP), RMIT Việt Nam có quyền sử dụng tiến độ làm việc (WIP) nhằm mục đích lưu trữ và cung cấp cho thư viện của RMIT Việt Nam nhằm mục đích giáo dục.
  6. Trước khi tác phẩm hoàn thành được trưng bày ứng viên không được phép trưng bày tác phẩm ở nơi nào khác mà không có sự chấp thuận từ RMIT Việt Nam. Sau buổi triển lãm được RMIT Việt Nam phê duyệt kết thúc, nghệ sĩ có quyền tự do phát triển các buổi trưng bày của tác phẩm sau này và phải luôn ghi nhận sự tài trợ từ Quỹ Thiết kế và Nghệ thuật số của RMIT Việt Nam.
  7. Ứng viên phải luôn đề cập việc tác phẩm được tài trợ bởi RMIT Việt Nam xuyên suốt thời gian quỹ tài trợ diễn ra, tại buổi triển lãm cuối, và sau buổi triển lãm cuối.
  8. Tất cả nội dung được sản xuất phải tuân thủ luật pháp Việt Nam, và bất kỳ nội dung cổ vũ cho việc kỳ thị hoặc thù hận sẽ không được chấp thuận bởi RMIT Việt Nam, không có ngoại lệ.
  9. Việc nộp đơn vào Quỹ đồng nghĩa với việc ứng viên đồng ý với các điều kiện hiện có.
  10. Các thông tin chi tiết sẽ được thảo luận trong hợp đồng thoả thuận giữa RMIT Việt Nam và ứng viên.

Ban giám khảo

Martin Constable

Martin Constable đã có các buổi triển lãm tác phẩm rộng rãi ở Châu Âu và Châu Á với tư cách là một hoạ sĩ và nghệ sĩ kỹ thuật số. Vào năm 2000, ông đã được đề cử cho giải thưởng danh giá Sovereign Art Foundation. Các khách hàng của ông gồm David Bowie, Elton John, Iggy Pop, Lord Gowrie (cựu Bộ trưởng Bộ Nghệ thuật của Vương quốc Anh), Hội đồng Nghệ thuật của Anh Quốc, Glaxo Smith Klien, Câu lạc bộ Rotary của Anh Quốc, tập đoàn JPMorgan Chase, tập đoàn UniCredit và ngân hàng Đức. Với vai trò giảng viên, ông có niềm đam mê với các hiệu ứng hình ảnh và thiết kế kỹ thuật số.

Nguyễn Hoàng Giang

Nguyễn Hoàng Giang là một nghệ sĩ truyền thông đa phương tiện và một nhà thiết kế kỹ thuật số tại Thành phố Hồ Chí Minh. Các tác phẩm của anh khám phá tầm ảnh hưởng đến xã hội và văn hoá của công nghệ và được trưng bày ở các phòng trưng bày nghệ thuật quốc tế như Museo del 900 (Ý), Asian Cultrual Complex (Hàn Quốc), Kunstverein Tiergarten (Đức) cũng như các địa điểm thương mại khác. Hiện anh đang là giảng viên của ngành Thiết kế kỹ thuật số, RMIT Việt Nam.

Ricardo Arce

Ricardo Arce là trưởng ngành Thiết kế kỹ thuật số tại RMIT Việt Nam. Ông từng là chủ tịch Hiệp hội Phim Hoạt hình Quốc tế (ASIFA) chi nhánh Columbia, liên kết với Hiệp hội Nghiên cứu Hoạt hình (SAS) và Mạng lưới Nghiên cứu Hoạt hình Mỹ Latinh Sur A Sur. Ông còn là một nhà thiết kế đồ hoạ, chuyên gia truyền hình, và Thạc sĩ về Mỹ học và Lịch sử Nghệ thuật. Ngoài ra, ông có những tác phẩm được xuất bản về lĩnh vực hoạt hình của Columbia và Mỹ Latinh, đồng thời sản xuất phim hoạt hình ngắn ở Columbia, Trung Quốc và Việt Nam.