Tiến sĩ Trương Thục Tuyền đang tiên phong đưa ra những giải pháp bền vững cho ngành công nghiệp thực phẩm Việt Nam thông qua các công nghệ mới nhằm giảm thiểu phế phụ phẩm.
Tiến sĩ Trương Thục Tuyền là Chủ nhiệm bộ môn Công nghệ thực phẩm và Dinh dưỡng tại Đại học RMIT Việt Nam, nơi bà đang nghiên cứu cách biến phế phụ phẩm nông nghiệp thông thường thành tài nguyên có giá trị.
Tiến sĩ Tuyền cho biết: "Thực phẩm là thứ mọi người đều thấy liên quan và cần đến. Nhưng có thể nhiều người không biết rằng quá trình chế biến thực phẩm tạo ra lượng phế phụ phẩm đáng kể - ví dụ, vỏ bưởi chiếm 30% lượng trái cây và thường bị thải bỏ".
Nghiên cứu của bà chỉ ra cách làm thế nào để phế phẩm nông nghiệp có thể trở thành nguyên liệu có giá trị. Lấy ví dụ, vỏ bưởi khô được chế biến thành bột có thể thay thế chất béo trong nhiều loại thực phẩm, bao gồm cả thịt viên.
Nghiên cứu của bà đặc biệt liên quan đến đồng bằng sông Cửu Long, trung tâm sản xuất trái cây lớn của Việt Nam. Bằng cách phát triển các giải pháp thiết thực cho doanh nghiệp, Tiến sĩ Tuyền đang giúp thu hẹp khoảng cách giữa nghiên cứu hàn lâm và ứng dụng thực tế.
Bà chia sẻ: “Tôi rất hào hứng về tiềm năng tạo ra được những thay đổi ý nghĩa cho ngành công nghiệp thực phẩm. Chúng tôi không chỉ giảm thiểu chất thải mà còn đang kiến tạo nên một tương lai lành mạnh và bền vững hơn thông qua việc thiết kế thực phẩm theo hướng đổi mới sáng tạo”.
Cùng gặp gỡ Tiến sĩ Tuyền và tìm hiểu về đam mê của bà đối với công nghệ thực phẩm bền vững trong video sau:
Tiến sĩ Trương Thục Tuyền đang tiên phong đưa ra những giải pháp bền vững cho ngành công nghiệp thực phẩm Việt Nam thông qua các công nghệ mới nhằm giảm thiểu phế phụ phẩm.
Việt Nam, đặc biệt là đồng bằng sông Cửu Long, là trung tâm sản xuất trái cây, nên tạo ra lượng phế phụ phẩm đáng kể. Giải quyết vấn đề này đòi hỏi những công nghệ tiên tiến và nỗ lực hợp tác để tạo ra một tương lai bền vững hơn.
Xin chào, tôi là Trương Thục Tuyền, Chủ nhiệm bộ môn Công nghệ thực phẩm và Dinh dưỡng tại Đại học RMIT Việt Nam.
Tôi là giảng viên Công nghệ thực phẩm tại RMIT từ năm 2018.
Với tôi, thực phẩm luôn là một chủ đề hấp dẫn vì đó là thứ mọi người đều thấy liên quan và cần đến.
Các lĩnh vực nghiên cứu của tôi trong công nghệ chế biến thực phẩm bao gồm gel dầu, sản phẩm từ sữa, peptide sinh học, nhũ tương ở kích thước nano, khoa học vật liệu thực phẩm và các công nghệ chế biến thực phẩm mới nổi.
Việt Nam tạo ra lượng phế phụ phẩmđáng kể từ quá trình chế biến nguyên liệu thô, đặc biệt là từ trái cây và rau củ. Ví dụ, các sản phẩm phụ như vỏ bưởi, chiếm 30% lượng trái cây, bị lãng phí và thải bỏ rất nhiều. Các loại trái cây họ cam quýt khác như trái cam cũng gặp phải tình trạng tương tự.
Chúng tôi nhận thấy nhu cầu giải quyết vấn đề này trên toàn cầu và tầm quan trọng của việc xác định các số liệu chính về phế phụ phẩm trái cây và rau củ ở Việt Nam. Một hướng tiếp cận là biến phế phụ phẩm thành những nguyên liệu mới, bền vững và hữu ích hơn.
Ví dụ, chúng ta có thể nghiền vỏ bưởi khô thành bột có tính năng hấp thụ dầu và nước nhanh chóng để tạo thành chất thấm hút. Chất này có thể dùng làm vật liệu bán rắn để thay thế chất béo trong nhiều sản phẩm khác nhau, chẳng hạn như thịt viên.
Chúng tôi đã thấy kết quả khả quan với mô hình này tại RMIT Melbourne. Tiềm năng giảm thiểu phế phụ phẩm và tạo ra các sản phẩm mới giá trị là rất lớn.
Bên cạnh đó, các công nghệ như chế biến áp suất cao đã được phát triển để phục hồi chất dinh dưỡng từ phế phụ phẩm.
Những cải tiến khác bao gồm bao bì và công nghệ truy xuất nguồn gốc thông minh, giúp kéo dài hạn sử dụng thực phẩm, từ đó giảm thiểu rác thải.
Bằng cách sử dụng các công nghệ chế biến tiên tiến này, ngành công nghiệp thực phẩm hướng đến mục tiêu tăng thêm giá trị cho các sản phẩm phụ từ nông nghiệp và giảm thiểu lãng phí thực phẩm nói chung.
Chúng tôi, những nhà nghiên cứu thực phẩm, cũng cân nhắc khả năng tương thích của chúng với các quy trình sản xuất hiện có và tính khả thi về mặt kinh tế vì việc áp dụng có thể gặp phải những thách thức do các chi phí tăng thêm.
Theo quan điểm của tôi, mọi công ty thực phẩm đều cần chuyển đổi sang hướng phát triển bền vững, không chỉ do quy định bắt buộc mà còn xuất phát từ nhu cầu ngày càng tăng của người tiêu dùng. Thế hệ trẻ đặc biệt quan tâm đến các sản phẩm có trách nhiệm với môi trường và hoạt động sản xuất minh bạch.
Ngành công nghiệp thực phẩm đóng vai trò quan trọng trong các nỗ lực phát triển bền vững, khi xét đến mức độ tiêu thụ năng lượng, việc sử dụng đất và lượng chất thải đáng kể từ quá trình sản xuất thực phẩm.
Tôi rất hào hứng về tiềm năng tạo ra được những thay đổi ý nghĩa cho ngành công nghiệp thực phẩm, kiến tạo nên một tương lai lành mạnh và bền vững hơn thông qua việc thiết kế thực phẩm theo hướng đổi mới sáng tạo.