Tiến sĩ Renusha Athugala đang giúp định hình lại ngành công nghiệp game Việt Nam thông qua giáo dục thiết kế sáng tạo.
Tiến sĩ Athugala là Chủ nhiệm bộ môn Thiết kế game tại Khoa Truyền thông và Thiết kế, RMIT Việt Nam, nơi ông đang cho thấy sức mạnh mang tính chất chuyển đổi của game ngoài mục đích giải trí.
Nghiên cứu của ông tập trung vào cách tích hợp nghệ thuật và khoa học thông qua tính tương tác, khám phá những cách mới để giải quyết những thách thức hiện đại.
Gần đây, ông đã đồng sáng tạo "SenseScapes", tác phẩm nghệ thuật tương tác cố định đầu tiên đặt tại RMIT Việt Nam do cán bộ giảng viên của trường thực hiện. Dự án sáng tạo này kích hoạt âm thanh thiên nhiên được ghi âm tại Việt Nam khi phát hiện chuyển động của con người. Đây là một ví dụ phản ánh cam kết của ông là kết hợp công nghệ với các yếu tố văn hóa địa phương.
Thông qua công việc của mình, Tiến sĩ Athugala đang giúp thu hẹp khoảng cách sáng tạo của Việt Nam trong ngành công nghiệp game, đồng thời giúp sinh viên sẵn sàng cho những thách thức đa dạng thông qua việc phát triển toàn diện các kỹ năng kỹ thuật, tư duy thiết kế và khả năng làm việc nhóm.
Tiến sĩ Athugala cho biết: "Điều tôi thích ở game là sự độc đáo và tiềm năng to lớn. Nhiều người vẫn nghĩ rằng game chỉ dành để giải trí. Quan điểm này không đúng. Game và nghệ thuật truyền thông tương tác đại diện cho sự hòa quyện giữa nghệ thuật và khoa học. Điều này mở ra những khả năng tuyệt vời cho việc giải quyết vấn đề hiện đại."
Tầm nhìn của Tiến sĩ Athugala được đưa ra vào một thời điểm quan trọng đối với ngành game của Việt Nam. Với việc Việt Nam đang nằm trong top năm quốc gia hàng đầu thế giới về xuất bản game, nhu cầu cấp thiết là phải phát triển chuyên môn thiết kế cùng với các kỹ năng kỹ thuật ngay tại địa phương.
Hãy tìm hiểu thêm quan điểm của ông về thiết kế game và truyền thông tương tác trong video sau:
Tiến sĩ Renusha Athugala đang giúp định hình lại ngành công nghiệp game Việt Nam thông qua giáo dục thiết kế sáng tạo.
Game phục vụ nhiều mục đích khác ngoài việc chỉ dành để giải trí, chẳng hạn như giáo dục, chăm sóc sức khỏe, đào tạo, mô phỏng, kể chuyện và nâng cao nhận thức.
Tôi tên là Renusha Athugala và tôi là Chủ nhiệm bộ môn Thiết kế game tại Đại học RMIT Việt Nam.
Nghiên cứu của tôi tập trung vào tính tương tác, cụ thể là khám phá cách tích hợp nghệ thuật và khoa học. Đối với tôi, tính tương tác chính là nền tảng của game.
Tại RMIT, tôi có cơ hội tuyệt vời tiếp tục nghiên cứu dựa trên thực hành của mình, cũng như hợp tác với các giảng viên khác. Thông qua sáng kiến "Ngôi trường tương tác" của RMIT, tôi và đồng nghiệp Thierry Bernard đã tạo ra dự án khuôn viên trường tương tác đầu tiên - "SenseScapes".
SenseScapes là một tác phẩm lắp đặt âm thanh, trong đó, âm thanh tự nhiên được kích hoạt bởi chuyển động và hoạt động của con người. Điều thú vị là những âm thanh tự nhiên của dự án được ghi âm ở Việt Nam và dự án được thiết kế và phát triển dựa trên nghiên cứu Tiến sĩ của cả hai chúng tôi.
Đây là tác phẩm nghệ thuật tương tác cố định đầu tiên do cán bộ giảng viên tạo ra trong khuôn viên Đại học RMIT Việt Nam.
Tiềm năng của ngành game ở Việt Nam hiện nay là không thể phủ nhận. Việt Nam nằm trong top năm quốc gia hàng đầu thế giới về xuất bản game, với 4,2 tỉ lượt tải.
Doanh thu từ game và ứng dụng tại Việt Nam dự kiến sẽ đạt 2,7 tỉ đô la Mỹ vào năm 2026. Đây là một con số khổng lồ.
Điều này cũng đã được đề cập trên các phương tiện truyền thông gần đây.
Tuy nhiên, Việt Nam vẫn phải đối mặt với một thách thức lớn, đó là thiếu nội dung gốc. Mặc dù các nhà phát triển có đủ khả năng kỹ thuật cần thiết, vẫn có một khoảng cách rõ rệt trong chuyên môn thiết kế. Tôi cho rằng sự thiếu hụt này là do chưa có đủ hỗ trợ từ giới học thuật.
Đây là lý do tại sao chúng tôi có mặt ở đây.
Chúng tôi giới thiệu chương trình Cử nhân Thiết kế game tại RMIT Việt Nam để giải quyết vấn đề này. Chúng tôi đặt mục tiêu cung cấp giáo dục và đào tạo cần thiết để phát triển cả khả năng kỹ thuật và thiết kế cho ngành game Việt Nam.
Điều tôi thích ở game là sự độc đáo và tiềm năng to lớn. Nhiều người vẫn nghĩ rằng game chỉ dành để giải trí. Quan điểm này không đúng.
Trên thực tế, game và nghệ thuật truyền thông tương tác đại diện cho sự hòa quyện giữa nghệ thuật và khoa học. Điều này mở ra những khả năng tuyệt vời cho việc giải quyết vấn đề hiện đại.
Chúng tôi tập trung vào tầm quan trọng của việc phát triển kỹ năng mềm và khả năng làm việc nhóm của sinh viên, đảm bảo giúp các em phát triển toàn diện và sẵn sàng đối mặt với những thách thức đa dạng trong ngành.
Triết lý sống của tôi là “bạn phải làm những gì bạn yêu thích”.
Tôi rất vui khi thấy sinh viên học tập và phát triển qua từng học kỳ. Đây là lý do tôi theo nghề giáo. Cách thức và nội dung giảng dạy sẽ giúp sinh viên định hình và kiến tạo tương lai các em. Điều này định nghĩa chúng ta với tư cách từng cá nhân.
Là một nhà thiết kế, tôi cần sự tự do để sáng tạo và tôi rất vui mừng chia sẻ rằng tôi có được điều đó tại RMIT. Tác phẩm lắp đặt tương tác mà chúng tôi đã hoàn thành, cùng với tác phẩm sắp tới, thể hiện sự hỗ trợ mà tôi nhận được.
Mỗi khi cần nghỉ ngơi hoặc khi có thời gian rảnh, tôi thường dành thời gian chơi game hoặc sáng tác nhạc. Sáng tác nhạc không lời là cách tôi biểu đạt sự sáng tạo và đam mê của mình.