Tiến sĩ Rachel Jahja ủng hộ các phương pháp tiếp cận lấy con người làm trung tâm trong ngành thiết kế đang đổi thay của Việt Nam.
Tiến sĩ Rachel Jahja là giảng viên ngành Thiết kế ứng dụng sáng tạo tại Khoa Truyền thông và Thiết kế, Đại học RMIT Việt Nam. Là đồng trưởng nhóm nghiên cứu Sáng tạo, Di sản và Xã hội, đồng thời là chủ nhiệm Ban Phát triển bền vững của khoa, bà đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy các dự án hợp tác liên ngành và hoạt động bền vững.
Với chuyên môn về thiết kế không gian và kiến trúc nội thất, công việc của bà tập trung vào tạo ra các không gian có khả năng đem đến sự kết nối tình cảm sâu sắc hơn với con người, đồng thời vẫn ưu tiên tính bền vững và bối cảnh địa phương.
Bà nhấn mạnh: "Nếu làm thiết kế thì thực chất bạn đang thiết kế vì con người và với con người. Chúng ta cần lắng nghe mọi người nhiều hơn để đảm bảo rằng thiết kế có sức sống trường tồn".
Tiến sĩ Jahja đặc biệt được truyền cảm hứng bởi các văn phòng kiến trúc quy mô nhỏ tại Việt Nam, những đơn vị mà theo bà có thể đưa ra nhiều bài học giá trị về thiết kế bền vững, lấy con người làm trung tâm.
"Họ thể hiện đức tính khiêm nhường. Họ không quá đặt nặng cái tôi, hay cố gắng trở thành người giỏi nhất, mà luôn thiết kế để thể hiện được tính nhân văn", bà giải thích.
Thông qua công việc của mình, Tiến sĩ Jahja muốn truyền cảm hứng tự hào về thiết kế Việt Nam cho sinh viên của mình, khuyến khích họ học hỏi từ các nhà thiết kế địa phương và nắm lấy bản sắc của mình là những nhà thiết kế Việt Nam.
Khám phá thêm quan điểm của bà về thiết kế và sáng tạo trong video sau:
Tiến sĩ Rachel Jahja ủng hộ các phương pháp tiếp cận lấy con người làm trung tâm trong ngành thiết kế đang đổi thay của Việt Nam.
Nếu làm thiết kế thì thực chất bạn đang thiết kế vì con người và với con người. Chúng ta cần lắng nghe mọi người nhiều hơn để đảm bảo rằng thiết kế có sức sống trường tồn. Chúng ta cần nỗ lực địa phương hóa và thiết kế sao cho phù hợp với bối cảnh xung quanh.
Tôi tên là Rachel Jahja. Tôi là giảng viên Khoa Truyền thông và Thiết kế, Đại học RMIT. Tôi cũng là đồng trưởng nhóm nghiên cứu Sáng tạo, Di sản và Xã hội, đồng thời là chủ nhiệm Ban Phát triển bền vững của khoa.
Trên những cương vị đó, tôi có nhiều cơ hội để thiết lập các nền tảng giao lưu kết nối, bao gồm các dự án liên ngành có sự tham gia của cả sinh viên và cán bộ giảng viên RMIT cũng như các trường đại học khác.
Thiết kế không gian là chuyên môn của tôi. Ban đầu tôi theo học kiến trúc nội thất, chứ không phải kiến trúc, vì tôi không hứng thú với các không gian quy mô lớn như sân vận động hay trung tâm mua sắm. Những công trình như vậy không tạo được sự kết nối với tôi. Tôi quan tâm đến các không gian quy mô nhỏ, và đã tìm hiểu về lý thuyết không gian từ đó.
Thiết kế không gian luôn xoay quanh những hiểu biết sâu sắc và mong muốn tìm kiếm ý nghĩa và kết nối sâu sắc hơn, đặc biệt là từ góc độ cảm xúc, để làm thế nào có thể thiết kế những không gian thực sự đi vào lòng người.
Tất nhiên, tính bền vững rất quan trọng. Nhưng thách thức mà chúng ta gặp phải là nếu chỉ thiết kế xanh hay thiết kế bền vững “cho có lệ” thì sẽ không hiệu quả. Chúng ta cần tìm ra những cách mới để thiết kế bền vững và điều đó không nên bắt nguồn từ quan niệm “làm cho có mà thôi”.
Thay vào đó, chúng ta cần lưu tâm đến con người và cách mọi người sử dụng hay hoạt động trong không gian được thiết kế, và làm thế nào để đáp ứng nhu cầu của con người và lắng nghe xem điều họ cần là gì.
Vì vậy, theo tôi bước đầu tiên để có thể thiết kế tốt hơn là cần lắng nghe và thấu hiểu. Cần trở nên nhân văn hơn trong cách tiếp cận và xem môi trường như một nguồn tài nguyên hữu hạn, vì nó thực sự hữu hạn. Đồng thời, cố gắng thiết kế tại địa phương và sử dụng vật liệu theo cách thông minh hơn.
Một trong những dự án mà tôi tâm đắc nhất hiện tại là nghiên cứu về các văn phòng kiến trúc quy mô nhỏ.
Điều tôi trân trọng ở ngành thiết kế Việt Nam và đặc biệt là những dự án xuất phát từ các văn phòng kiến trúc quy mô nhỏ này, chính là tính khiêm nhường. Họ không quá đặt nặng cái tôi, hay cố gắng trở thành người giỏi nhất, hoặc thiết kế công trình đồ sộ nhất. Họ không cố gắng vượt trội hơn người khác, mà thực sự nỗ lực thiết kế để thể hiện được tính nhân văn.
Những không gian mà họ thiết kế không chỉ có quy mô nhỏ mà còn bền vững. Có nhiều bài học lớn mà chúng ta có thể rút ra từ họ, để bắt đầu hình dung lại hoặc tiếp cận công việc thiết kế theo những cách tốt hơn, bền vững hơn.
Một trong những động lực để tôi cố gắng thực hiện ngày càng nhiều dự án với các đối tác trong ngành và khuyến khích sinh viên RMIT cùng tham gia, đó là mong muốn sinh viên có thể học hỏi từ các nhà thiết kế địa phương và cảm thấy tự hào về những gì đang diễn ra tại Việt Nam. Tôi mong muốn các em đón nhận thiết kế Việt Nam và trở thành những nhà thiết kế Việt, bởi vì đó là một điều thật sự đặc biệt.