Tiến sĩ Hà Thị Cẩm Vân đề xuất một phương pháp tiếp cận mới mẻ để định hình tương lai bền vững của Việt Nam thông qua kinh tế học hành vi.
Tiến sĩ Hà Thị Cẩm Vân là Chủ nhiệm cấp cao bộ môn Kinh tế tại Khoa Kinh doanh, Đại học RMIT Việt Nam. Với nền tảng chuyên sâu về kinh tế, bao gồm bằng Tiến sĩ từ New Zealand, bà đang khám phá lĩnh vực kinh tế học hành vi đầy thú vị và tìm hiểu tiềm năng của lĩnh vực này trong việc thúc đẩy các hoạt động bền vững.
Tiến sĩ Vân cho biết: "Khi nghĩ về Việt Nam, tôi cho rằng chúng ta có nhiều cơ hội tạo nên khác biệt - để phát triển bền vững hơn và đưa ra quyết định kinh doanh chín chắn hơn".
Kinh tế học hành vi là một lĩnh vực tương đối mới, dựa trên tâm lý học và xã hội học để hiểu cách con người đưa ra quyết định. Không giống như lý thuyết kinh tế học thuần túy kỳ vọng rằng con người đưa ra quyết định dựa trên lý trí, kinh tế học hành vi nhận ra ảnh hưởng của cảm xúc và các yếu tố môi trường đến hành vi của con người.
Tiến sĩ Vân nhận thấy tiềm năng to lớn trong việc áp dụng kinh tế học hành vi để thúc đẩy các sáng kiến bền vững, từ các biện pháp can thiệp đơn giản tại nơi làm việc, chẳng hạn như nhắc nhở nhân viên tắt đèn một cách khéo léo, cho đến các chính sách toàn diện hơn do chính phủ ban hành.
Tại RMIT Việt Nam, Tiến sĩ Vân đang tích cực hỗ trợ trọng tâm phát triển bền vững được triển khai trên quy mô toàn trường. "Chúng tôi đang nỗ lực làm cho khuôn viên trường xanh hơn và đưa các Mục tiêu phát triển bền vững vào hoạt động nghiên cứu và giảng dạy ngày càng nhiều hơn", bà chia sẻ.
Bà tin rằng những thay đổi nhỏ, cả trong cuộc sống cá nhân và ở cấp độ tổ chức, có thể tạo ra những tác động đáng kể. "Bằng cách thay đổi hành vi từng chút một, chúng ta có thể tạo ra những thay đổi lớn hơn có lợi cho thế hệ tương lai", bà nói.
Cùng lắng nghe quan điểm của Tiến sĩ Vân về kinh tế học hành vi và tính bền vững trong video sau:
Tiến sĩ Hà Thị Cẩm Vân đề xuất một phương pháp tiếp cận mới mẻ để định hình tương lai bền vững của Việt Nam thông qua kinh tế học hành vi.
Khi nghĩ về Việt Nam, tôi cho rằng chúng ta có nhiều cơ hội tạo nên khác biệt - để phát triển bền vững hơn và đưa ra quyết định kinh doanh chín chắn hơn.
Xin chào, tôi là Tiến sĩ Hà Thị Cẩm Vân. Tôi là giảng viên và Chủ nhiệm bộ môn Kinh tế tại Khoa Kinh doanh, Đại học RMIT Việt Nam.
Nền tảng học vấn của tôi thiên về kinh tế học. Tôi tốt nghiệp cử nhân và thạc sĩ tại Việt Nam, sau đó qua New Zealand bốn năm để lấy bằng tiến sĩ kinh tế.
Nghiên cứu của tôi chủ yếu tập trung vào việc xem xét dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài và cách chúng tác động đến các công ty trong nước về mặt năng suất, tiền lương, hoạt động xuất khẩu, v.v.
Sau nhiều năm nghiên cứu các chủ đề trên, tôi mong muốn mở rộng phạm vi nghiên cứu của mình và nhận thấy mình rất hứng thú với các chủ đề liên quan đến kinh tế học hành vi và phát triển bền vững.
Kinh tế học hành vi là một lĩnh vực tương đối mới được xây dựng trên nền tảng các ngành khoa học xã hội khác như tâm lý học và xã hội học.
Lĩnh vực này xuất phát từ thực tế rằng con người không phải lúc nào cũng đưa ra quyết định dựa trên lý trí như lý thuyết kinh tế học thuần túy kỳ vọng. Thay vào đó, họ bị tác động bởi các yếu tố tâm lý như cảm xúc và tình cảm. Do vậy, có những biện pháp can thiệp về hành vi có thể tác động đến quyết định của con người.
Về cơ bản, bằng cách nghiên cứu kinh tế học hành vi, chúng ta có thể giúp các công ty đưa ra quyết định tốt hơn cũng như giúp chính phủ thiết kế các chính sách có tác động hiệu quả hơn.
Sức mạnh của kinh tế học hành vi nằm ở việc chúng ta có thể thay đổi hành vi của con người bằng cách thay đổi môi trường mà họ đưa ra quyết định. Điều này có thể hữu ích khi thúc đẩy các sáng kiến bền vững.
Ví dụ, nếu doanh nghiệp bạn mong muốn bền vững hơn trong các hoạt động hằng ngày, bạn có thể thiết kế nơi làm việc sao cho nhân viên có thể tắt đèn và điều hòa dễ dàng hơn.
Bạn có thể dán ghi chú ở đâu đó nói rằng nếu tắt đèn này, bạn có thể giúp giảm được tầm này khí thải CO2, hoặc bạn có thể đặt thùng rác trong văn phòng để thu gom pin cũ.
Phát triển bền vững có thể bắt đầu bằng những việc nhỏ như vậy và nếu có tiềm lực dồi dào hơn, bạn có thể làm nhiều hơn.
Về phương diện cá nhân, tôi đã cố gắng giảm việc sử dụng nhựa và trồng nhiều cây xanh hơn. Phát triển bền vững cũng là một trọng tâm được phổ biến trong toàn Đại học RMIT. Chúng tôi đang nỗ lực làm cho khuôn viên trường xanh hơn và đưa các Mục tiêu phát triển bền vững vào hoạt động nghiên cứu và giảng dạy ngày càng nhiều hơn.
Tôi nghĩ rằng bằng cách thay đổi hành vi từng chút một, chúng ta có thể tạo ra những thay đổi lớn hơn có lợi cho thế hệ tương lai.