Phó giám đốc Chương trình tiếng Anh RMIT toàn cầu tại Melbourne, ông Nick Philippou chia sẻ: “Là giáo viên, chúng ta cũng là những người học suốt đời và luôn học hỏi từ nhiều nguồn khác nhau. Một trong những nguồn để phát triển chuyên môn tốt nhất dành cho giáo viên chính là từ các giáo viên khác”.
“Những giáo viên truyền cảm hứng nhất mà chúng ta có cơ hội theo học thời còn cắp sách tới trường là những người để lại ấn tượng lâu dài với chúng ta. Và khi trở thành giáo viên, những ký ức đó có thể tác động đến cách giảng dạy của chính mỗi người, song trong bất cứ trường hợp nào, tất cả chúng ta đều tiếp tục học hỏi, chủ yếu là qua các giáo viên khác”.
“Giảng dạy tiếng Anh là một công việc đầy ý nghĩa, thường mang tính hợp tác hơn cạnh tranh”, ông chia sẻ thêm.
Chủ đề của chuỗi sự kiện mới nhất được tổ chức tại TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội vào tháng 5 cũng như tại Đà Nẵng vào tháng 6 là “Phương pháp tiếp cận toàn cầu với bối cảnh địa phương: Khám phá và đưa tiến bộ trong giảng dạy tiếng Anh vào lớp học Việt Nam”.
Bà Ronnie Hill, Trưởng phòng Sáng kiến mới thuộc SEUP và quản lý tổ chức sự kiện Teacher Talks, chia sẻ: “Khi tìm hiểu sự phát triển trong giảng dạy tiếng Anh và đánh giá các phương pháp giảng dạy hay nhất, chúng ta thường có xu hướng xem xét những cách làm hiệu quả trong môi trường lớp học ‘lý tưởng’, trong khi thực tế có thể rất khác với hầu hết chúng ta, những giáo viên tiếng Anh. Nhiều giáo viên, cả ở Việt Nam cũng như ở nước ngoài, phải đối mặt với các vấn đề cụ thể, chẳng hạn như quy mô lớp học đông hơn bình thường, học viên có trình độ khác nhau, thiếu nguồn lực hoặc nhu cầu học ngoại ngữ đặc thù của người học ở mỗi quốc gia”.
“Vì vậy, trong chuỗi Teacher Talks lần này, chúng tôi muốn tập trung nhiều hơn vào việc thu hẹp khoảng cách giữa kinh nghiệm giảng dạy thực tiễn tốt nhất và tình hình giảng dạy tại Việt Nam, dù ở trường công lập, quốc tế, trung tâm ngoại ngữ hay tư thục.”