Từng là một đứa trẻ nhút nhát và rụt rè, suốt những năm trung học Tuyên không bao giờ chủ động tiếp cận hay thể hiện mình với người khác.
“Và điều này đã cản trở tôi rất nhiều trong việc khai mở tiềm năng bản thân”, cậu bạn chia sẻ.
Vậy nên, ngày vào học tại RMIT, Tuyên đã tự hứa với lòng sẽ thay đổi điều này.
Điểm sáng trong năm đầu đại học của Tuyên chính là xây dựng một dự án ở quy mô dành cho sinh viên năm cuối – một bảng LED có thể lập trình hiện đang được đặt ngay lối vào của Văn phòng Khoa Khoa học, Kỹ thuật và Công nghệ.
“Dự án thể hiện tài năng và sự sáng tạo của sinh viên ngành CNTT, giúp mang lại cái nhìn mới cho chương trình CNTT tại RMIT. Theo đó, sinh viên ngành chúng tôi không chỉ làm về lập trình mà còn tạo ra sản phẩm và khai phá các cơ hội khác”, Tuyên nói.
Sự tự tin vừa tìm thấy đã củng cố thêm niềm tin cho Tuyên rằng bạn có thể đóng góp nhiều hơn cho cộng đồng ngoài phạm vi RMIT.
Tuyên tham gia tổ chức phi lợi nhuận Fight For Dreams và sử dụng kiến thức kỹ thuật của mình để xây dựng nên một trang web giới thiệu thông tin về tổ chức này.
Tuyên tự hào chia sẻ rằng, “qua trang web này, tôi đã giúp gây quỹ cho học sinh trung học từ các gia đình có thu nhập thấp ở tỉnh Tiền Giang. Khoản tiền thu được giúp hỗ trợ cho hơn 100 học sinh tiếp tục chương trình trung học, đồng thời tài trợ cho các chuyến đi và tổ chức sự kiện cho các em học sinh”.
Vào năm cuối, Tuyên tập trung vào dự án cuối khóa có tên gọi DART, một hệ thống kỹ thuật số tích hợp dùng để dự báo và theo dõi dịch sốt xuất huyết, phối hợp thực hiện cùng Đơn vị Nghiên cứu lâm sàng Đại học Oxford (OUCRU). Sự thể hiện xuất sắc khi làm dự án không những đem đến cho Tuyên vị trí làm việc chính thức với tư cách một nguyên cứu viên tại OUCRU mà còn cả học bổng học Tiến sĩ Y học lâm sàng tại Đại học Oxford.
Chủ nhiệm Trung tâm Mô hình toán học về Y học nhiệt đới tại OUCRU, Tiến sĩ Marc Choisy người sau này là thầy hướng dẫn làm luận án tiến sĩ cho Tuyên, đã hết sức kinh ngạc với phẩm chất kỹ thuật đặc biệt của cậu bạn.
“Trong 20 năm hướng dẫn cho sinh viên, tôi chưa từng gặp em nào học về ngôn ngữ lập trình R nhanh như vậy. Em ấy không chỉ học về ngôn ngữ và mọi chi tiết của ngôn ngữ này, mà còn toàn bộ nguyên tắc làm việc với R”,
“Điều ấn tượng hơn nữa là đến cuối dự án, Tuyên đã viết được phiên bản đầu tiên của một thư viện R từ tất cả các công cụ em ấy tạo cho dự án. Việc chuyển hệ thống các quy trình và công cụ tự động đã phát triển qua dịch vụ đám mây như các dịch vụ do Amazon Web Services (AWS) cung cấp cũng đầy thách thức, song Tuyên đã có thể giải quyết khá khéo léo”.
Tiến sĩ Choisy còn khen ngợi đức tính khiêm tốn của Tuyên. Ông nói: “Tuyên là nhân viên trẻ tuổi nhất trong số 350 người ở OUCRU, song lại hết sức trưởng thành so với tuổi, đồng thời rất khiêm nhường và tử tế với đồng nghiệp khác trong nhóm của tôi và tại OUCRU”.